- Back to Home »
- Sinh vật học »
- [News] Thiên thạch "tiêu diệt khủng long" đã đâm không đúng thời điểm.
Posted by : Unknown
Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014
Nguồn nature.com | Dịch: Kou Togima
Các loài vật đã có thể sống sót nếu va chạm xảy ra ở vài triệu năm trước đó hoặc vài triệu năm sau đó.
Mark Garlick/Science Photo Library
Khí hậu lạnh dần đã khiến loài khủng long có sừng bớt đa dạng đi như Triceratops. |
Ngay trước khi một thiên thạch lớn đâm vào Trái Đất 66 triệu năm trước, độ đa dạng của loài khủng long ăn cỏ đã giảm nhẹ, một nghiên cứu mới cho biết. Sự chuyển biến nhỏ đó đã đủ để cho toàn bộ loài khủng long tuyệt diệt khi thiên thạch lao xuống.
Sự khan hiếm của loài ăn cỏ sẽ khiến cho chúng dễ chết đói và số lượng suy giảm sau cú va chạm, hậu quả là ảnh hưởng mạnh đến chuỗi thức ăn.
"Thiên thạch đã đâm đúng thời điểm đặc biệt tệ." Stephen Brusatte, một nhà cổ sinh vật học ở Đại học Edinburgh, Vương quốc Liên hiệp Anh, cho hay. "Nếu cuộc va chạm xảy ra ở vài triệu năm trước hoặc vài triệu năm sau đó, các loài khủng long đã có thể được chuẩn bị tốt hơn để sống sót."
Brusatte và đồng nghiệp đã miêu tả cách nhìn khác biệt này về cuộc tuyệt chủng nổi tiếng trên Tạp chí Sinh học.
Các nhà cổ sinh vật học đã tranh cãi hàng thập kỷ về việc loài khủng long có đang phát triển bình thường khi thiên thạch đâm, hay là chúng vốn đang trải qua sự suy giảm giống loài. Để khám phá vấn đề này, cuộc nghiên cứu đã lấy thông tin từ một cơ sở dữ liệu về sự đa dạng của loài khủng long toàn cầu, bao gồm hàng trăm hóa thạch tìm thấy trong thập kỷ vừa qua.
Sự suy giảm cục bộ
Các nhà khoa học đã sử dụng các phương pháp phân tích vì trong thực tếcó một số tảng đá mang hình dạng hóa thạch đã được nghiên cứu cấu tạo kỹ lưỡng trong khi số còn lại thì không, và điều này có thể khiến các con số và sự phân bổ các giống loài khủng long trở nên không chính xác. Họ phát hiện ra hầu hết các khủng long đều phát triển mạnh ngay trước sự va chạm. "Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta không tìm thấy chứng cớ về một sự suy giảm lâu dài." Thành viên của nhóm Richard Bullet, một nhà cổ sinh vật học ở Đại học Birmingham, Vương quốc Liên hiệp Anh, cho biết. "Không có bằng chứng xác thực rằng các loài khủng long vốn đang phải chịu cảnh tuyệt chủng và thiên thạch kia chỉ đơn giản là cú kết thúc chúng."
Song ở Bắc Mỹ, trong vòng 8 đến 10 triệu năm trước khi va chạm thiên thạch, số lượng hai nhóm động vật ăn cỏ lớn — khủng long mỏ vịt và nhóm khủng long có sừng bao gồm Triceratops — đã giảm nhẹ. Ở một vài nơi các giống loài đã bị co rút lại chỉ còn một loài. Đó có lẽ là do khí hậu lạnh đi đã làm thay đổi các giống thực vật vốn là nguồn thức ăn của chúng, Michael Benton, một nhà cổ sinh vật học ở Đại học Bristol, Vương quốc Liên hiệp Anh, cho biết. Đã có nhiều nhóm khủng long vượt qua được đợt suy giảm số lượng quy mô nhỏ trước đó, nhưng đợt này thì không.
Một nghiên cứu năm 2012 tái tạo lại mô hình mạng lưới thức ăn có thể giúp giải thích tại sao, Butler cho biết. Các mô phỏng của máy tính cho thấy chỉ một thay đổi nhỏ trong chủng loài khủng long có thể khiến cho hệ sinh thái gần như sụp đổ sau những biến động lớn về môi trường — tỉ như sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra bởi cú va chạm của một thiên thạch. Các giống thực vật bị khô héo; khiến các loài khủng long ăn cỏ chết đói, và các loài khủng long ăn thịt không còn nhiều con mồi để săn.
Sẽ thế nào nếu như?
Nghiên cứu mới nhất tập hợp nhiều khám phá của những năm gần đây, David Archibald, một nhà cổ sinh vật học Đại học bang Sandiego ở California, cho biết. "Theo như ước lượng của tôi thì đa phần chúng đều rất chính xác," ông cho hay. "Ta gần như có thể chắc chắn rằng chính cú va chạm đó đã khiến cho loài khủng long tuyệt diệt." Nhưng ông không đồng ý với một vài dữ liệu. Trong một bài phê bình được Đoàn thể Địa chất Mỹ thông qua, Archibald đã so sánh hình dạng vài tảng đá ở gần cuối thời đại của loài khủng long, ở Canada và Hoa Kỳ. Ông phát hiện ra loài khủng long hai cẳng, chuyên ăn thịt theropods khi đó cũng đang suy giảm số lượng.
Brusatte cho rằng sự khác biệt là do tùy cách các nhà nghiên cứu đánh giá các tảng đá mang hình dáng hóa thạch đã được nghiên cứu và bảo quản kỹ lưỡng như thế nào. "Chỉ lúc này với tất cả các khám phá mới về loài khủng long, người ta mới có thể suy luận các chi tiết theo nhiều cách khác nhau," ông cho hay.
Cuộc tuyệt chủng đã mở đường cho thế giới hiện đại, Butler cũng lưu ý. Cho dù có một giống khủng long vẫn còn sống sót dưới hình dạng loài chim hiện đại, các loài động vật có vú chỉ bắt đầu phát triển khi các loài khủng long không còn nữa. "Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu các loài khủng long không bị tuyệt chủng," Butler cho biết, "Giả như lúc ấy thiên thạch không đâm vào, loài khủng long có lẽ vẫn sẽ tồn tại đến ngày nay."